A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhà Tưởng Niệm – Trưng Bày Di Vật Liệt Sỹ

Trong hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, có một công trình đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách khi đến tham quan, học tập; đó là Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ. Hoàn thành năm 2005 với diện tích 320m2 công trình được thiết kế gồm hai phần: Không gian tưởng niệm và không gian trưng bày, giới thiệu hơn 2.000 di vật, của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào.

 Ý tưởng hình thành ngôi nhà đặc biệt này bắt đầu từ những cuộc đi tìm đồng đội sau chiến tranh. Với truyền thống đạo lý “Uống n­ước nhớ nguồn, ăn quả nhớ ng­ười trồng cây” Đảng và Nhà nư­ớc ta rất quan tâm tới công tác chính sách, trong đó có việc tìm kiếm, cất bốc và quy tập các phần mộ liệt sỹ. Thực hiện chủ trư­ơng đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập 6 đội quy tập tại 6 tỉnh thuộc Quân khu với nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Quân khu 4 và một số tỉnh thuộc nước bạn Lào. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ các đội quy tập đã phát hiện nhiều di vật từng gắn bó với cuộc sống, chiến đấu của các liệt sỹ. Điều đặc biệt trăn trở, lưu tâm nhất của những người làm công tác bảo tàng cũng như những người làm công tác quy tập là phần mộ liệt sĩ chưa xác định được tên, địa chỉ còn rất lớn. Và đặc biệt, trong các phần mộ thường có đồ dùng sinh hoạt, trang bị chiến đấu, một số mộ còn có sơ đồ hoặc bia mộ được đánh dấu dưới nhiều ký hiệu khác nhau…

Tại sao chúng ta không trưng bày các di vật này để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được lý tưởng sống cao đẹp của lớp lớp thế hệ đi trước, từ đó học tập, lao động xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ? Và từ di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ, những người còn sống có thể nhận ra đồng đội mình? Cũng từ đó có thể phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ ghép nối thông tin xác định tên tuổi, quê quán liệt sĩ?… Bắt đầu từ những trăn trở của đồng chí Nguyễn Thị Tiến và chỉ huy đơn vị, cùng với quá trình thực hiện đề tài khoa học cấp Tổng cục Chính trị “Xác minh lý lịch liệt sỹ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ”, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy – Thủ trưởng Cục Chính trị, Bảo tàng Quân khu 4 đã xây dựng đề án và đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, cho phép là đơn vị đầu tiên trong toàn quân xây dựng Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ làm nơi lưu giữ, tưởng nhớ, khắc ghi công lao của những người con đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau quá trình chuẩn bị chu đáo về nội dung và thi công liên tục, công trình đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu 4.

Trong ngôi nhà đặc biệt với thiết kế hai mái đậm nét kiến trúc truyền thống là hai cõi âm dương vừa thăm thẳm cách biệt, vừa gần gũi giao hòa. Phần âm gồm các di vật nằm cùng phần mộ; là những bức ảnh tái hiện cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của người lính và phần dương là hành trình đi tìm đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ hôm nay.

  Những di vật giản dị thôi mà linh thiêng, gần gũi như chính các anh, các chị đang hiện diện, trò chuyện với chúng ta ngay tại đây: Là chiếc cối giã trầu được người lính làm bằng vỏ đạn giữa đêm rừng Trường Sơn, trong anh luôn sắt son một niềm tin ngày mai chiến thắng anh sẽ về, mang theo cối giã trầu tặng bà, tặng mẹ. Chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay là biết bao nỗi niềm nhớ thương chưa kịp gửi đến người vợ hậu phương tảo tần. Bức ảnh người mẹ hiền được người lính gìn giữ sau tấm gương soi. Những trang thư không còn lành lặn nhưng chứa đựng trọn vẹn tình yêu người lính cũng chưa kịp trao đến tay người nhận.…Tất cả đã ở lại cùng các anh nơi chiến trường ác liệt để giờ đây được Bảo tàng sưu tầm, lưu giữ và bằng những di vật thiêng liêng đó, nhiều liệt sĩ được xác minh tên, tuổi, đơn vị, nhiều gia đình, người thân, đồng đội xúc động khôn nguôi khi tìm được thông tin phần mộ các anh. Và nhiều di vật liệt sỹ trưng bày tại đây được một số cựu chiến binh Mỹ một thời ở bên kia chiến tuyến đã vượt qua nửa vòng trái đất trao lại cho Bảo tàng Quân khu 4

Hơn 15 năm hoạt động, Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, học tập, chứng kiến hàng trăm câu chuyện cảm động của những thân nhân liệt sỹ khi đến nơi đây: Đó là một ngày đầu thu, tại nhà tưởng niệm có một bà mẹ ngoài 80 tuổi đến tìm con. Mẹ dừng trước một tủ kính, còng sát lưng xuống cúi nhìn chiếc bi đông đựng nư­ớc đã bị méo mó và có hai vết đạn xuyên thủng. Tay mẹ run run thoa nhẹ lên kỷ vật, dường như­ đang xoa vết thương trên da thịt con trai mình. Mắt mẹ già chợt tràn ra 2 dòng lệ, rồi mẹ quệt nư­ớc mắt bằng cánh tay áo, nhờ nhân viên đọc dùm xem có phải con trai của mẹ không? “Con ơi, tên nó là thằng Tũn – mẹ nói nhỏ – “mẹ không biết chữ, nhưng con ạ, nếu cứ tên Tũn tức là con của mẹ, ngày nó còn bé cứ gọi Tũn là nó chạy về”. Tìm trên di vật, không có tên anh. Mẹ khóc mãi, rồi mở gói trầu trong ruột tượng, trong gói trầu lại chứa một bọc nylon nhàu nát bao lấy tờ giấy báo tử đã rách làm tư. Nhân viên thuyết minh giúp mẹ đọc tên anh Tũn: Liệt sĩ Nguyễn Minh Đạt… Tìm khắp nhà tưởng niệm không có di vật nào mang tên như­ vậy cả. Bà cụ cứ hy vọng xem hết tủ này đến tủ khác, tẩn mẩn từng món di vật. Chị Tiến động viên mẹ, hằng ngày bộ đội ta đang đi tìm liệt sĩ khắp nơi đ­ưa về, bao giờ có tin con sẽ báo mẹ biết. Cụ buồn bã gật đầu, sau đó run run đặt một miếng trầu vào cạnh chiếc bi đông và bảo: “Gửi cho nó để nó hỏi vợ dư­ới âm con ạ”. Đã lâu rồi không thấy mẹ đến, chẳng biết mẹ có còn sống nữa không?…

Bên cạnh những di vật đã xác minh được thông tin cho liệt sĩ, còn rất nhiều di vật vẫn lặng lẽ đặt trang trọng tại đây. Mùa khô năm 2000, Đội quy tập Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh quy tập được 73 hài cốt liệt sĩ được chôn chung một phần mộ. Đội quy tập chỉ phân biệt được 73 hộp sọ của liệt sĩ, còn lại các phần xương không thể nào phân biệt, vì thế đành chấp nhận để các anh nằm chung một quan tài. Ngày 25/5/2000, đồng đội đưa các anh về quê Mẹ, an táng tại Nghĩa trang Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Những gì còn lại trong phần mộ tập thể đó là những chiếc huy hiệu Đoàn, những quân hiệu, bìa của cuốn sổ tay sinh hoạt đại đội… Đặc biệt, có một tấm bưu thiếp vẽ cành đào mùa xuân, một đôi bồ câu vờn trong gió và dòng chữ tròn trịa “Em đợi anh về, xuân Mậu Thân 1968”… Hiện vật còn là một dòng tên khắc vào đá núi: TK.B4. Bùi Ngọc Thuần. 12-12-66, phần mộ của anh đã được an táng tại Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), mộ số 300. Nhưng quê anh ở đâu? Ai là thân nhân? TK.B4 là đơn vị nào? Bao nhiêu năm rồi, Bảo tàng vẫn lần tìm mà chưa thấy hồi âm.

          Bởi vậy, Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ đã trở thành “Ngôi nhà thiêng” của đông đảo cán bộ, chiến sỹ, đồng bào trên cả nước và du khách nước ngoài. Mỗi người khi đến nơi đây đều mang trong mình niềm xúc động sâu sắc. Nhiều du khách khi đến thăm Bảo tàng đã viết: “Còn đây những nụ cười sáng lên dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Còn đây những người lính trẻ cắt tóc cho nhau giữa vùng bom đạn tơi bời… Non sông đã liền một dải, độc lập tự do đã về với nhân dân nhưng các anh, các chị ra đi mãi mãi. Và chỉ còn lại đây, hành trang của người lính hành quân thật giản dị, cho chúng ta hiểu rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng các anh, các chị không hề lùi bước, vẫn luôn hướng theo Đảng, theo cách mạng, luôn tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Mãi thương nhớ các chị, các anh!”

 “Những di vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ là sự phản ánh của tâm linh, gắn liền với cuộc đời của người chiến sỹ, gắn với chiến trường, với đồng đội, với nhân dân. Là cầu nối tìm kiếm, xác minh để trả lại tên tuổi, đưa các anh về với gia đình. Mỗi di vật còn gắn liền với chiến công thầm lặng của những người con đã hy sinh cho đất nước, là biểu tượng của phẩm chất anh hùng, ý chí chiến đấu ngoan cường của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Và cũng chính điều đó đã thôi thúc cho mỗi cán bộ, nhân viên đang công tác tại Bảo tàng Quân khu 4 thêm tự hào, trân trọng trong việc lưu giữ và phát huy tốt hơn nữa những giá trị di sản văn hóa thiêng liêng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc tại “Ngôi nhà thiêng”, nơi tỏa sáng cuộc đời đẹp đẽ nhất của “Bộ đội Cụ Hồ”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 25
Tháng 02 : 200