A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỉ vật của người lính đặc công thành phố Huế trong đại thắng mùa xuân 1975

Cho đến bây giờ, người lính đặc công Ngô Văn Hoằng vẫn nhớ như in những ngày tháng 3 lịch sử mùa Xuân 1975 ở vùng ven đô Hương Thủy, thành phố Huế. 50 năm đã trôi qua nhưng những vết thương trên da thịt người thương binh vẫn còn nhức buốt mỗi khi trái gió trở trời. Thế nhưng, ông vẫn lấy đó làm may mắn bởi tiểu đội có 9 người thì duy nhất mình ông sống sót, còn những người khác đã hy sinh trong trận chiến ngày 25/3/1975.

Người lính thành Vinh lên đường đánh Mỹ.

          Những ngày đầu tháng 03 năm 2025 chúng tôi trở lại gặp ông, người lính đặc công Ngô Văn Hoằng khi cùng đoàn làm phim của Đài truyền hình Nghệ An (NTV) quay những thước phim kỉ niệm 50 năm đại thắng mùa xuân 1975. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại Khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trên khuôn mặt hằn đậm nét thời gian luôn sẵn nụ cười và kí ức như tuôn trào khi nhắc đến một thời tuổi trẻ.

Cựu chiến binh đặc công Ngô Văn Hoằng kể lại những hồi ức về trận đánh cuối cùng của những người lính đặc công thành phố Huế năm 1975

          Ông Ngô Văn Hoằng sinh năm 1954 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, năm 1972 cùng với 67 thanh niên quê nhà ông được gọi nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Do có thể chất và kĩ năng võ thuật nên ông cùng 21 đồng đội được chọn vào bộ đội đặc công. Sau 1 năm huấn luyện, họ được bổ sung vào Tiểu đoàn 33 (K33) đặc công Quân khu Trị - Thiên chiến đấu trên chiến trường Thừa Thiên - Huế.

Tháng 6 năm 1974, với những bước chuyển mình quan trọng của cuộc chiến đấu, các đơn vị đặc công được phân tán về các huyện đội với nhiệm vụ chiến đấu trong lòng địch, chiến sỹ đặc công Ngô Văn Hoằng được điều về Đại đội 3 (C3), Huyện đội Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Địa bàn chiến đấu của đơn vị nằm ven nội thành Huế và khu vực phụ cận với nhiệm vụ trinh sát, bám nắm và tổ chức lực lượng quần chúng; tăng gia sản xuất; bảo vệ căn cứ Hương Thủy của Thành ủy thành phố Huế; tiến đánh các căn cứ vùng lõm và kho tàng của địch; tiêu diệt các tên ác ôn, có nợ máu với cách mạng.

Nhờ dân vận tốt, được dân tin yêu, đùm bọc, nên suốt những năm tháng chiến đấu ở ven nội thành Huế, ông và đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nên những chiến công khiến kẻ thù khiếp sợ, bảo vệ vững chắc căn cứ địa Hương Thủy ở phía Tây thành phố Huế.

Bộ điểm hỏa mìn định hướng Cơ-lây-mo của người lính đặc công Ngô Văn Hoằng sử dụng trong trận đánh ngày 25/03/1975

 

Trận đánh cuối cùng giữa vòng vây quân thù

Sau Tết Ất Mão, quân và dân ta chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975. Bấy giờ ở Huế địch có các căn cứ quân sự lớn và hệ thống phòng thủ các cao điểm, hệ thống đồn bốt dày đặc theo tuyến Quốc lộ 1A. Pháo binh ngày đêm bắn phá, lùng sục, phục kích gài mìn càn quét. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân tiến vào giải phóng thành phố Huế, ngày 23 tháng 03 năm 1975, Đại đội 3 đặc công Hương Thủy được giao nhiệm vụ chia thành 3 mũi tiến về nội thành quấy nhiễu, thu hút lực lượng địch không cho chúng tập trung co cụm thành các cứ điểm phòng thủ mạnh, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy phối hợp giành chính quyền.

Mũi do ông Hoằng phụ trách gồm 9 người được giao nhiệm vụ chốt giữ cây cầu giữa xã Thanh Thủy Chánh và xã Thùy Dương, cách thành phố Huế khoảng 6km về phía Tây Nam. Khoảng 3h sáng ngày 25/3, khi vừa hoàn tất việc ngụy trang thì máy bay địch đổ một đại đội lính dù xuống, càn quét khu vực cánh đồng xung quanh và tổ chức gài mìn lên cây cầu. Trước nguy cơ địch chiếm đóng điểm nút quan trọng trên đường tiến quân vào nội thành Huế, dù tương quan lực lượng rất chênh lệch nhưng các chiến sỹ đặc công nhanh chóng nổ súng tiến công địch không cho chúng lập chỗ đứng chân.

 Sau 1h chiến đấu, tổ đặc công vừa đánh vừa rút lui thu hút hỏa lực địch, đến khi trời sáng 7 người trong tổ hi sinh, ông Hoằng và 1 đồng đội rút lui dần vào cánh đồng lúa. Kẻ địch lùng sục đuổi rát phía sau, một lát sau người đồng đội bị trúng đạn.“Mình tôi chạy trốn khắp cánh đồng từ sáng đến gần trưa. Biết quân địch không thạo ruộng nước nên tôi cứ chạy vào những chỗ nước cho đến khi không còn sức để chạy nữa, tôi nằm xuống nước ngâm mình dưới đó, tay cầm chắc khẩu súng AK. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ không thoát được nên cài sẵn quả mình định hướng Cơ-lây-mo ngay trước mặt, nghĩ bụng mình mà chết thì ít nhất 25 tên địch cũng phải bị hạ. Tôi nằm im nín thở nghe bước chân của kẻ thù mỗi lúc một gần hơn. Đến khi chúng còn khoảng 20m tôi bóp chặt bộ điểm hỏa, Ầm! tiếng nổ chát chúa vang lên! Bị sức ép hất văng ra hàng chục mét, tôi bị thương nặng vào vai và mắt trái, ngất lịm đi. Tôi may mắn sống sót”.

Kể đến đó, một con mắt lành lặn của người cựu binh già bỗng đỏ hoe. “Đến chiều tối, tôi tỉnh lại, trên tay vẫn nắm chặt bộ điểm hỏa của quả mình định hướng lúc sáng, xung quanh là xác hàng chục tên địch, nén đau tôi quay trở lại nơi những người đồng đội hy sinh. Những cánh đồng bị cày xới bởi bom đạn và máu những người lính đặc công nhuộm đỏ, 9 anh em trong đó có người là đồng hương cùng dấn thân vào một trận đánh nhưng chỉ một mình tôi - Tiểu đội trưởng sống sót. Cho đến tận bây giờ, trong những giấc ngủ, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng đạn xé tai của kẻ thù và tiếng đồng đội thét vang trong trận chiến cuối cùng. Tất cả hy sinh khi tuổi thanh xuân còn phơi phới...”.

Cựu chiến binh Ngô Văn Hoằng trao tặng kỉ vật cho Bảo tàng Quân khu 4

 

Kỉ vật ý nghĩa của người lính đặc công.

Ngày 26 tháng 03 năm 1975, ông Ngô Văn Hoằng cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Huế. Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển sang công tác tại ngành vận tải, 2 năm sau thì lập gia đình.

Trên hành trang trở về cuộc sống đời thường, ngoài 3 vết thương, 1 con mắt để lại chiến trường, người lính đặc công còn giữ lại nhiều kỉ vật một thời chiến đấu. Trong đó có bộ điểm hỏa mìn định hướng Cơ-lây-mo ông đã sử dụng trong trận đánh cuối cùng ngày 25 tháng 03 năm 1975. Kỉ vật thiêng liêng gợi nhắc về một trong những trận đánh vẻ vang nhất trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông và đồng đội.

Năm 2017, được sự vận động của cán bộ Bảo tàng, ông quyết định hiến tặng những kỉ vật một thời gắn bó, trong đó có bộ điểm hỏa mìn định hướng Cơ-lây-mo cho Bảo tàng Quân khu 4. Tại buổi lễ, ông xúc động: “Chúng tôi quyết định hiến tặng các hiện vật này với mong muốn Bảo tàng Quân khu 4 lưu giữ, bảo quản và trưng bày để phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, giúp các cháu hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhưng hết sức hào hùng của dân tộc. Đó không đơn thuần là vũ khí, khí tài chiến tranh mà còn là chiến công, sự mưu trí, quả cảm của những người lính đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

 

 

Hữu Hoành – BTQK4

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 25
Tháng 05 : 536