A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỷ vật của người anh hùng tại “cánh cửa thép Xuân Lộc”

Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 16 tháng 4 năm 2025, tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Bảo tàng Quân khu 4 phối hợp với Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4 tổ chức triển lãm lưu động “Mùa xuân đại thắng” tại đơn vị. Trong rất nhiều hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm có 2 kỉ vật đã thu hút sự chú ý của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và khách tham quan: đó là chiếc bi đông có khắc chữ “Lái/ C IX” và chiếc hộp được làm từ mảnh xác máy bay của tiểu đội phó Phạm Văn Lái thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những chiến công xuất sắc tại “cánh cửa thép Xuân Lộc” trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm lưu động tại Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4

 

 

Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham quan triển lãm

Từ chiến sỹ liên lạc đến người anh hùng trên mặt trận Xuân Lộc

          Đồng chí Phạm Văn Lái quê ở thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 16 tuổi, người chị gái bị chết thảm vì bom đạn của giặc Mỹ, nỗi đau mất người thân đã chuyển hóa thành lòng căm thù giặc sục sôi trong lòng Phạm Văn Lái. Tháng 5.1972, anh viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 Công binh Quảng Bình. Tháng 10.1973, Phạm Văn Lái được điều chuyển qua đơn vị bộ binh thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) làm chiến sỹ liên lạc.

Tháng 2.1975, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân thần tốc từ Lệ Thủy, Quảng Bình vào nhận nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 4. Sư đoàn 341 đã tham gia trận đánh lớn giải phóng thị xã Xuân Lộc, nơi được mệnh danh là “cánh cửa thép” của phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong trận đánh Xuân Lộc lịch sử kéo dài 12 ngày đêm từ ngày 9 đến 21.4.1975, Phạm Văn Lái lúc này là Tiểu đội phó trinh sát đã sát cánh cùng đồng đội trong đại đội 9 bám sát trận địa chiến đấu, giành giật với quân địch từng ngôi nhà, từng con hẻm, từng góc phố.

Để tránh thương vong, Phạm Văn Lái cùng đồng đội trong đơn vị chia thành từng tổ 3 đến 5 người để yểm trợ nhau chiến đấu. Ngày thứ 2 của trận đánh, Lái cùng 3 đồng đội đã bí mật tập kích vào sau lưng địch, áp sát tấn công. Bị đánh bất ngờ, bọn địch bỏ chạy. Phạm Văn Lái đuổi theo và thọc quá sâu vào chiến hào của địch nên không hay biết trong lúc đó đơn vị anh được lệnh chuyển hướng tiến công.

Phạm Văn Lái chỉ còn một mình với khẩu tiểu liên AK hết đạn. Anh xác định: “Còn một mình cũng đánh, tìm súng địch mà đánh”. Lấy được một khẩu AR15 còn đầy băng đạn và hai quả lựu đạn, phát hiện từ gốc cao su bên cạnh có 3 tên địch đang tiến lại, anh im lặng chờ chúng đến thật gần rồi bất ngờ tung lựu đạn. Một tên chết tại chỗ, một tên bị thương, tên kia bỏ chạy, anh cầm súng đuổi theo và hạ gục tên địch. Với khẩu AR15 của địch, Lái đã bắn chết ba tên địch, bắn bị thương một tên khác, những tên còn lại bỏ chạy về phía sau. Đêm đó một mình Lái ở lại trong chiến hào, suốt đêm anh chỉ uống nước từ chiếc bi đông đem theo, dù đói lả anh vẫn quyết tâm giữ vững trận địa.

Sáng ngày thứ 3 của trận đánh, Phạm Văn Lái gặp một tổ 3 người du kích địa phương với đầy đủ súng đạn, có cả súng B.40. Họ lập thành một tiểu đội do Lái chỉ huy và đã kiên cường chiến đấu với một đại đội địch đang tràn lên hòng chiếm lại trận địa. Với khẩu B.40 trong tay, Lái cùng các chiến sĩ du kích đã bình tĩnh đợi quân địch vào thật gần mới bắn. Hàng chục lính địch bị B.40 tiêu diệt, bọn còn lại bỏ chạy. Tuy nhiên lúc này cánh tay trái của Lái bị mảnh đạn M79 găm phập vào máu ra rất nhiều.

Đến trưa hôm đó đơn vị của anh đến ứng cứu. Lúc này máu từ vết thương ra quá nhiều khiến Lái bị ngất và anh được đưa về trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn 266. Tổng cộng trong 2 ngày chiến đấu ở Xuân Lộc, một mình Phạm Văn Lái đã tiêu diệt 31 quân địch, bắn bị thương hàng chục tên khác.

Anh cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ trận địa, trở thành một tấm gương chiến đấu kiên cường, mưu trí, táo bạo. Nhờ chiến công xuất sắc đó, ngày 20.10.1976, khi vừa tròn 24 tuổi, Phạm Văn Lái đã được Chủ tịch nước tuyên dương công trạng và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Anh trở thành người lính anh hùng đầu tiên của Sư đoàn 341.

Anh hùng Phạm Văn Lái năm 1976

Sau trận thắng ở Xuân Lộc, Sư đoàn Sông Lam tiếp tục tiến vào Sài Gòn, Phạm Văn Lái bị thương, phải nằm điều trị nhưng anh đã trốn viện đi theo đội hình hành quân. Trước quyết tâm của anh, đơn vị phải quyết định cho Lái gia nhập đội hình tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Đầu năm 1977, anh lại xung phong chiến đấu tại biên giới Tây Nam. Năm 1978, với cương vị là trung đội trưởng anh bị thương lần thứ 4 khi chỉ huy đơn vị đánh địch tại mặt trận Hà Tiên (Kiên Giang). Do vết thương quá nặng, anh được đưa về thành phố Hồ Chí Minh điều trị và về an dưỡng tại thành phố Huế, năm 1989 được phục viên với quân hàm đại úy.

Người anh hùng giữa đời thường

Phục viên trở về địa phương với danh hiệu anh hùng và được hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, dù có chế độ của nhà nước nhưng Phạm Văn Lái vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng của một cựu chiến binh, một người lính, một người anh hùng giữa đời thường. Mặc dù mang trong người căn bệnh ung thư dạ dày nhưng anh vẫn cùng vợ con lập trang trại, chăn nuôi bò, trồng lúa và các loại cây lương thực, cây ăn quả. Gia đình anh có hơn 3ha rừng trồng bạch đàn, mấy sào lúa nước và một đàn bò. Từ rừng bạch đàn, rồi chăm chút đàn bò, lứa gà..., cùng với nguồn tiền chế độ của Nhà nước, vợ chồng anh gom góp, tằn tiện để vừa chữa bệnh cho anh, vừa nuôi 5 đứa con ăn học trưởng thành.

Anh hùng Phạm Văn Lái giữa đời thường

Người dân xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vô cùng khâm phục và luôn ngợi khen Phạm Văn Lái, người con anh hùng của quê hương. Trong mắt dân làng, anh không chỉ là người anh hùng trong chiến đấu mà còn là người anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp và cả trong chống chọi, chiến thắng bệnh tật. Bị căn bệnh ung thư dạ dày mấy năm liền, Phạm Văn Lái vừa kiên cường chống chọi với bệnh tật, vừa tích cực tham gia làm kinh tế gia đình, mang lại một cuộc sống đầy đủ cho vợ con. Tuy nhiên, do căn bệnh ưng thư trở nặng, Phạm Văn Lái không vượt qua khỏi và đã qua đời vào ngày 20.1.2017, để lại một cuộc đời bình dị, trong sáng của một người lính anh hùng.

Anh hùng Phạm Văn Lái bên những kỉ vật trước khi hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 năm 2012

 

Kỉ vật còn lại

Cả một đời quân ngũ, Anh hùng Phạm Văn Lái luôn gìn giữ và quý trọng những kỉ vật bé nhỏ, giản dị gắn liền với biết bao kỉ niệm về những người đồng đội cùng vào sinh ra tử. Trong đó có chiếc bi đông bằng nhôm được cấp phát trước ngày vào chiến trường miền Nam, trong trận đánh tại mặt trận Xuân Lộc khi một mình giữ trận địa trong đêm tối chính những giọt nước quý giá từ chiếc bi đông đã giúp anh tỉnh táo và vững vàng chiến đấu, anh đã khắc lên chiếc bi đông tên của mình và kí hiệu đơn vị “Lái CIX” đễ lỡ có hi sinh thì đồng đội biết thông tin. Nhưng may mắn là anh được tiếp ứng kịp thời và kỉ vật ấy được anh mang theo suốt cuộc đời. Ngoài ra còn có chiếc hộp làm từ ống pháo sáng có kích thước 3x5x16cm, phía trên khắc dòng chữ “Kỉ niệm chiến trường. Ngày 10.4.1975. Xuân Lộc” do chiến sĩ trong Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266 gò thành các vật dụng sinh hoạt như hộp đựng bút, hộp đựng kem đánh răng tặng Phạm Văn Lái làm kỷ niệm trong thời gian điều trị tại quân y viện. Anh đã sử dụng kỷ vật của đồng đội để tưởng nhớ người bạn, người đồng chí đã kề vai sát cánh bên nhau trong những ngày gian khó.

 

 

Chiếc bi đông và hộp nhôm của anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái được trưng bày trong triển lãm lưu động “Mùa xuân đại thắng” tại Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4

Chiến sỹ Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4 tham quan hiện vật của Anh hùng Phạm Văn Lái.

Tháng 8 năm 2012, hưởng ứng Cuộc vận động Hiến tặng kỷ vật kháng chiến, Phạm Văn Lái đã trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Quân khu 4, góp phần làm phong phú các phần trưng bày của bảo tàng và việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Hữu Hoành. BTQK4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 12
Tháng 04 : 1.108